Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về nạn bạo hành gia đình trong Chiếc thuyền ngoài xa

Đánh giá post

Nghị luận về nạn bạo hành gia đình trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu gồm dàn ý chi tiết kèm theo 5 bài văn mẫu hay, giúp các em biết cách làm bài văn nghị luận, rèn luyện khả năng diễn đạt được tốt hơn.

Nghị luận về nạn bạo hành gia đình trong Chiếc thuyền ngoài xa

Chiếc thuyền ngoài xa đã phản ánh phần nào về thực trạng nạn bạo hành đang diễn ra. Đó là điều đau xót và là những cái “đinh nhọt” của xã hội. Ngoài ra để học tốt kiến thức môn Ngữ văn lớp 12 các bạn tham khảo thêm nhiều bài văn hay khác tại chuyên mục Văn 12.

Suy nghĩ về nạn bạo hành gia đình trong Chiếc thuyền ngoài xa
Dàn ý nạn bạo hành gia đình trong Chiếc thuyền ngoài xa
Nạn bạo hành gia đình trong Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 1
Nạn bạo hành gia đình trong Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 2
Nạn bạo hành gia đình trong Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 3
Nạn bạo hành gia đình trong Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 4
Nạn bạo hành gia đình trong Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 5

Dàn ý nạn bạo hành gia đình trong Chiếc thuyền ngoài xa
I. Mở bài:

– Ai đã đọc tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu hẳn không thể nào quên được hình ảnh người phụ nữ làng chài tảo tần, chịu nhiều sương gió, cực khổ. Vì những gánh nặng của cuộc sống, vì tình thương dành cho con cái, vì cái án mưu sinh, khát khao hạnh phúc mà người đàn bà đó phải chịu cảnh sống bị đánh đập tàn nhẫn, số phận thật trớ trêu và đầy nghịch lí. Trong xã hội hiện đại ngày nay, dù đã khác và tiến bộ rất nhiều hơn trước đây nhưng nạn bạo hành trong gia đình vẫn xảy ra và làm nhức nhối trong dư luận.

II. Thân bài:

* Giải thích vấn đề

– Nội dung tác phẩm: Sau khi chụp được bức ảnh “đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh”, phóng viên Phùng lại chứng kiến cảnh người đàn ông hàng chài đánh vợ một cách dã man, độc ác. Từ hành động vũ phu đó của người đàn ông hàng chài, Nguyễn Minh Châu đã cho chúng ta suy nghĩ nhiều về hiện tượng bạo hành gia đình.

– Tóm tắt cảnh bạo hành trong gia đình hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa:

+ Người cha, tưởng chừng như là trụ cột lại là kẻ gây ra đau khổ cho chính gia đình mình. Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Ông ta đánh vợ như là một cách để trút bớt đi những oán hận trong cuộc đời khổ cực của mình.

+ Chứng kiến những đau đớn về thể xác mà mẹ mình phải gánh chịu, Phác, đứa con trai trong gia đình sinh ra hằn học với cuộc đời.

* Bàn luận vấn đề bạo lực gia đình trong xã hội ngày nay

– Giải thích: Bạo hành gia đình là hiện tượng hành động trấn áp người khác bằng lời nói, hành động, là sự khống chế, đàn áp về cả tinh thần và thể xác để xúc phạm tinh thần nhau của những thành viên trong gia đình.

– Bàn luận:

+ Thực trạng: Là vấn đề xã hội bức thiết của một quốc gia nhất là ở những nước kém phát triển và đang phát triển tình trạng này diễn ra thường xuyên. Bạo hành xảy ra dưới nhiều hình thức: vợ chồng đánh đập nhau, cháu, con chửi rủa ông bà, dùng những lời lẽ không tốt đẹp để nói về nhau…

+ Hậu quả: Bạo hành gia đình xảy ra để lại hậu quả đáng thương, con mất mẹ, cháu mất ông bà, cha mẹ con cái từ nhau… gây ra biết bao tệ nạn xã hội.

+ Nguyên nhân: Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa anh hàng chài vì phải lo toan, bươn chải gánh nặng gia đình, vì đói vì nghèo mà đánh đập vợ con để giải tỏa tâm hồn. Thực tế xã hội phức tạp hơn: Đó là do cái nghèo, cái khổ của cuộc sống xô bồ của xã hội, do ý thức, đạo đức biến chất tha hóa của một bộ phận người trong xã hội.

+ Giải pháp: Để giải quyết vấn đề bạo lực gia đình cần có sự kết hợp của các cơ quan đoàn thể, các tổ chức trong xã hội… Đảng và nhà nước cần có biện pháp tích cực như tuyên truyền vận động mọi người giáo dục mỗi công dân về hạnh phúc gia đình. Phải trừng trị nghiêm khắc những kẻ có hành vi bạo lực gia đình. Đưa ra những chính sách bảo vệ cuộc sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

* Rút ra bài học cho bản thân

– Cần thẳng thắn lên án hành động bạo lực gia đình như nhân vật Phùng, Đẩu trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

– Hãy sống chan hòa, đầm ấm để không có bạo hành gia đình.

III. Kết bài:

– Qua tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã đặt ra vấn đề mà cả thời của ông lẫn thời nay đều đang xảy ra. Truyện đã phản ánh phần nào về thực trạng nạn bạo hành diễn ra. Đó là điều đau xót và là những cái “đinh nhọt” của xã hội. Mỗi cá nhân cần có cách sống phù hợp và tiến bộ, có ý thức trách nhiệm để góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh và phát triển, sẽ không còn dòng chữ nào phải lên tiếng để đấu tranh cho quyền của con người và chống nạn bạo hành trong xã hội.

Nạn bạo hành gia đình trong Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 1
Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng phát biểu: “Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường…”. Quan điểm nghệ thuật đó đã được thể hiện thông qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, một tác phẩm với giá trị nhân đạo sâu sắc. Trong đó, vấn đề bạo hành gia đình là một vấn đề nổi cộm trong tác phẩm, được tái hiện một cách đầy đau xót và nhức nhối.

Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” viết về những trải nghiệm của Phùng trong chuyến đi thực tế ở một vùng biển miền Trung. Ở đây, anh đã ngỡ ngàng nhận ra khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống khi chứng kiến cảnh người đàn bà bị chồng bạo hành và khi lắng nghe những lời tâm sự của bà về cuộc đời.

Bạo hành gia đình là hành động hành hạ về tinh thần lẫn thể xác giữa những thành viên trong gia đình. Đó là vấn đề nghiêm trọng từ xưa đến nay, diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng không phải ai cũng có can đảm lên tiếng chống lại nó.

Cảnh tượng bạo hành được tái hiện trong tác phẩm thông qua những hình ảnh khi người chồng đánh vợ một cách thô bạo: “dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà”, “vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két” vừa nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”

Đứa con thương mẹ đã chạy ra cứu bằng cách đánh trả lại cha. Nó “rướn thẳng người vụng chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng” của người đàn ông, nhưng lão đã “dang thẳng cánh tay cho thằng bé hai cái tát”

Người mẹ cam chịu, nhẫn nhịn khi bị chồng đánh, giờ đây lại ứng xử lạ lùng: miệng mếu máo gọi con rồi “ôm chầm lấy nó, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy”, rồi “buông đứa trẻ thật nhanh, đuổi theo người đàn ông”.

Có thể thấy được rằng, bạo hành gia đình được biểu hiện thông qua hành động đánh đập vợ con, đe dọa, sử dụng những từ ngữ bạo lực nhằm trút hết nỗi căm giận của người đàn ông. Và cảm xúc, hành động của người mẹ cùng đứa con cũng tiêu biểu cho nhiều gia đình trong thực tế đời sống, khi mà người con thì sinh ra uất hận với cha, còn người vợ thì cam chịu, nhẫn nhịn. Tuy vậy, bạo hành gia đình ở cuộc sống ngoài kia lại có nhiều gương mặt, có nhiều hình hài hơn, và thậm chí còn tàn nhẫn hơn. Đó không chỉ là tra tấn về thể xác, mà còn là tra tấn về mặt tinh thần. Những sự lạnh nhạt, lời nói tựa dao găm còn gây tổn thương hơn nhiều những vết sẹo trên cơ thể. Bạo hành gia đình có thể xảy ra giữa vợ và chồng, cha mẹ với con cái… Nó diễn ra muôn hình vạn trạng, nhưng đều gây tổn thương cho nạn nhân.

Vậy, nguyên nhân của bạo lực gia đình đến từ đâu? Trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, người đàn bà đã tâm sự: “Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối…”. Theo bà, tất cả là vì “khổ”, vì nghèo đói. Còn trong cuộc sống, nó bao gồm cả nguyên nhân khách quan lẫn nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân khách quan có thể là vì người bạo hành được sinh trưởng trong một môi trường có vấn đề, họ chịu nhiều tổn thương từ thuở bé, dẫn đến tính cách bạo lực. Hoặc cũng có thể là vì hoàn cảnh sống quá khổ, khiến bạo hành như một cách để họ trút nỗi tức giận sau khi uống rượu, quên đi thực tại. Nhưng quan trọng hơn cả là ở lý do chủ quan, vì bản thân người bạo hành không thể làm chủ được mình, họ ích kỷ, họ quên đi cảm nhận của người khác. Họ đổ lỗi, trốn tránh thực tại, và từ đó họ làm tổn thương cả gia đình.

Bạo hành gia đình dẫn đến nhiều hậu quả tồi tệ, nó khiến cho bao gia đình tan vỡ, khiến cho những người vợ, những đứa con… bị tổn thương, chịu những vết sẹo trong tâm hồn. Trong tác phẩm, Phác là đứa con của gia đình người đàn bà hàng chài, cậu bé thương mẹ mình vô cùng, nhưng không ai có thể biết trước rằng liệu cậu có trở thành một phiên bản nhỏ của cha mình hay không. Cậu có thể sẽ ám ảnh đến suốt cuộc đời. Nghiên cứu cho thấy, những vụ tự tử xảy ra đến phần nhiều từ lý do gia đình, khi mà nạn nhân phải gánh chịu sự bạo hành tinh thần lẫn thể xác từ các thành viên trong gia đình.

Vậy, phải làm thế nào để có thể hạn chế được nạn bạo hành gia đình? Trong tác phẩm, dù Phùng và Đẩu có thuyết phục thế nào, người đàn bà cũng không chịu ly dị. Từ đó, ta thấy được rằng, nếu muốn cho bất cứ lời khuyên, sự vận động, lời kêu gọi nào, chúng ta cũng đều phải thấu hiểu nỗi lòng của họ. Trước tiên, cần giáo dục mọi người ngay từ khi còn ngồi trong nhà trường. Quan trọng hơn cả, là nhà nước cần đưa ra những biện pháp, nâng cao môi trường sống, chất lượng sống của nhân dân. Cải thiện được cuộc sống của nhân dân, cũng là ngăn chặn nạn bạo hành gia đình. Đối với cá nhân, mỗi người cần có sự bình tĩnh, nhìn nhận bản thân, cố gắng không nói những lời tổn thương, gây ra những hành động tàn bạo đối với các thành viên trong gia đình.

Có thể nói, Nguyễn Minh Châu là nhà văn không ngừng trăn trở về số phận nhân dân và trách nhiệm của nhà văn. Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa đã đặt ra một vấn đề nghiêm trọng trong xã hội: nạn bạo hành gia đình. Tác phẩm chính là tiếng chuông cảnh tỉnh cho mỗi người trong chúng ta, để cùng nhau xóa bỏ nạn bạo hành gia đình.

Nạn bạo hành gia đình trong Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 2
Ngày nay, tuy xã hội đã văn minh hơn, nhưng tư tưởng phong kiến “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại song song với đó. Có lẽ điều tiến bộ hơn chỉ là người phụ nữ được bảo vệ và đối xử công bằng với nam giới bởi nhiều chính sách tiến bộ của Nhà nước mà thôi, ví như phụ nữ được đi học, được tham gia hoạt động cộng đồng, chính trị, tôn giáo … và được sống “một vợ một chồng”!

Nói như vậy không hẳn lên án người dân ta vẫn còn mang nặng tư tưởng lỗi thời, lạc hậu đó, nhưng quả thực tư tưởng này vẫn còn hằn dấu trong mỗi người chúng ta, chỗ khác là ít hay nhiều mà thôi. Một nguyên do nào khiến phụ nữ hay bị bạo hành, dù là ở bên phương Đông hay phương Tây; đó chính là so sánh tương quan về thể lực. Người đàn ông thường có thể lực tốt hơn và khỏe hơn phụ nữ, hơn nữa tính cách bẩm sinh thường mạnh mẽ hơn, trong khi người phụ nữ thường yếu đuối, nhạy cảm, không ham bạo lực. Nói thế không phải chỉ trích người đàn ông thiếu tình cảm, tình người, mà tôi đang muốn nói về xu hướng xử sự trong gia đình và cộng đồng của họ.

Giờ ta thử lật lại giả thuyết này. Đó là giả thử khi xưa, đạo Nho coi trọng người phụ nữ, và rẻ rúng đàn ông, thì thử hỏi bạo hành trong gia đình nói riêng và xã hội nói chung có nghiêm trọng như ngày nay không? Câu trả lời có lẽ là không! Vì có lẽ người phụ nữ vẫn là phái chuộng hòa bình và chuộng nhẹ nhàng, thanh lịch hơn phái mạnh. Nói chung, ta không thể đánh giá xác đáng về nguyên nhân bạo hành gia đình từ những khái niệm và lí lẽ trên, vì còn quá nhiều yếu tố tác động nữa. Một trong những yếu tố đó chính là sự giáo dục từ khi còn nhỏ. Người nào khi còn nhỏ được giáo dục càng tốt thì khi lớn lên, tỉ lệ gây ra bạo lực gia đình sẽ thấp hơn và ngược lại.

Ngoài yếu tố giáo dục ra, thì còn những yếu tố khác cũng là những nguyên nhân trực tiếp. Đó là khi người vợ hoặc người chồng phải phụ thuộc kinh tế, tài chính và thậm chí cả tình cảm vào đối phương. Họ thường chịu áp lực về điều này, họ có thể bị coi thường, thậm chính bị đối xử bất công trong gia đình. Tuy là vậy, nhưng không phải trường hợp nào cũng thế, vì mỗi người trong chúng ta có cái nhìn và suy nghĩ khác nhau về phương diện này; nhưng dù ở mặt nào đi nữa, thì việc làm đó là điều sai trái, không nên. Và thậm chí không chỉ người chiếm ưu thế về kinh tế trong gia đình có xu hướng bạo lực, mà ngay cả người chịu phụ thuộc kinh tế cũng mang tâm lý mặc cảm, thường hay dẫn đến bạo lực.

Điều này không chỉ được thực tiễn chứng minh, mà ngay cả văn chương cũng có nói. Nếu ai đã từng đọc “Đời thừa” của Nam Cao thì sẽ thấy, Hộ là người chồng tốt, là nhà văn chân chính, nhưng cũng vì gánh nặng gia đình, gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” mà đã trở thành thủ phạm của bạo lực gia đình trong những lúc say sưa để giải quyết bế tắc trong sự nghiệp và cuộc đời. Hay như trong chính “Chiếc thuyền ngoài xa”, nguyên nhân chủ yếu khiến người đàn bà hàng chài đó bị đánh là vì cứ mỗi khi khổ quá, anh chồng lại lôi chị ra đánh. Rõ ràng hoàn cảnh và điều kiện sống cũng là một nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, đó là còn chưa kể tới những hệ lụy của nó.

Cái gì quá khó khăn, quá vất vả thường khiến con người ta ích kỉ và tàn nhẫn hơn, khó mà giữ được mình trong sạch, giữ mình là mình nữa. Chính vì thế, khi ý thức được về bạo hành trong gia đình và nhân quyền, con người ta đã ngày càng tiếp thu và học hỏi nhiều hơn để xây dựng xã hội thêm văn minh. Và như đã đề cập ở trên, một xã hội văn minh thì không thể nào tồn tại chung với bạo hành trong gia đình. Bởi lẽ bạo hành trong gia đình để lại hậu quả nặng nề, xâm phạm nghiêm trọng tới nhân quyền. Mỗi hình thức bạo hành trong gia đình để lại những hậu quả khôn lường khác nhau.

Chẳng phải nói đâu xa, các bạn có thể liên hệ ngay với tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Người phụ nữ ấy liệu có sống sung sướng không với người chồng vũ phu? Đó là một câu hỏi mà có lẽ ai cũng có thể trả lời, nhưng để trả lời xác đáng cho những câu hỏi mà cả hội hiện nay đang tìm cách giải đáp và khắc phục, thì có lẽ chúng ta phải cố gắng thật nhiều hơn nữa.

Nhiều chứng minh đã được chỉ ra từ thực tiễn, rằng tới 90% nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em; khoảng 9 – 10% là nam giới trong gia đình. Tỉ lệ bạo hành ở nông thôn và thành thị cũng khác nhau. Bạo hành ở mỗi nơi cũng khác nhau. Nhiều nơi vùng sâu vùng xa ở nước ta, do trình độ học vấn còn nhiều hạn chế, nên bạo hành xảy ra chủ yếu dưới hình thức là bạo hành thể xác và bạo hành tình dục.

Còn ở nhiều nơi với mức sống và trình độ văn minh hơn, bạo hành tuy tỉ lệ ít hơn, nhưng dưới hình thức cũng đa dạng hơn, có khi gồm đầy đủ cả bốn dạng bạo hành đã nêu trên. Bạo hành nói chung đã gây cho nạn nhân nhiều tổn thương cả về thể chất và tinh thần, bạo hành trong gia đình còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn nữa. Đó là khi bạn phải chịu bạo hành bởi chính người cha, người mẹ thân yêu của bạn. Đó là khi bạn phải chứng kiến cha mẹ bạn đánh mắng nhau. Bạn biết ai đúng, ai sai, nhưng bạn không dám lên tiếng, vì đó là cha mẹ bạn, là những người đã sinh thành, nuôi nấng bạn.

Làm sao bạn có đủ dũng khí đứng ra can thiệp, nói ra những lời đúng sai phân minh, trong khi chính tình cảm của bạn bị tổn thương nghiêm trọng. Bạo hành gia đình thường gây đau đớn về tinh thần nhiều hơn bất cứ một dạng đau đớn tinh thần nào. Con người ta có thể bị tổn thương tinh thần khi mất đi người thân, bạn bè, khi mất đi mối tình đẹp, hay khi thất bại trong cuộc sống; nhưng để vượt qua tất cả điều đó, ta còn có gia đình bên ta. Nhưng giờ khi chính gia đình ấy để lại vết thương tinh thần đau đớn cho ta, thử hỏi ta còn muốn tạo cho mình niềm tin nào ở những người thân yêu?

Bạo hành trong gia đình chính là nguyên nhân của nhiều hậu quả thương tâm. Nhiều cặp vợ chồng đã đưa nhau ra tòa ly dị, để lại cho nhau nhiều tổn thương, để lại cho đàn con bơ vơ những kí ức đen tối, không hay về mái ấm, về cha mẹ. “Trẻ em như búp trên cành”, liệu có đứa trẻ nào có thể phát triển tinh thần một cách bình thường khi luôn phải chứng kiến bạo hành gia đình? Hay chính chúng sẽ trở thành thủ phạm của bạo hành gia đình trong tương lai! Hay chúng sẽ luôn hoài nghi khi chọn bạn đời khi đã lớn lên, với những ám ảnh của tuổi thơ bất hạnh! Thật đau đớn biết bao khi phải chứng kiến cảnh những người cha mẹ tranh nhau giành quyền nuôi con khi đứng trước hôn nhân tan rã! Liệu có bao nhiêu trong số họ hiểu rằng điều mà con mình cần nhất là sự yên ấm, hạnh phúc, là sự yêu thương của cả cha lẫn mẹ?

Hãy cùng nhìn lại mọi chuyện mà xem, hãy lật lại những trang viết mà Nguyễn Minh Châu đã viết trong “Chiếc thuyền ngoài xa” mà xem. Người đàn bà hàng chài ấy đã van xin được chồng cho lên bờ mà đánh, chỉ vì chị ta hiểu rằng không nên để con thấy những cảnh như thế! Tâm hồn con trẻ cần được nuôi dưỡng trong một môi trường trong sạch, hãy để chúng phát triển nên người trong hạnh phúc, bình yên. Một khi những tâm hồn và con tim non nớt đó bị chai sạn vì tổn thương, chúng sẽ không thể là những đứa trẻ ngây thơ, trong sáng và hồn nhiên như bản chất của chúng nữa. Đau đớn làm sao khi chứng kiến những đứa trẻ tuổi đời chưa là bao, mà đã được biết đến như những kẻ băng hoại đạo đức, sống lầm lũi trong những góc tối u ám của xã hội.

Chúng thường là những đứa trẻ có hoàn cảnh éo le, không được sự chăm sóc, yêu thương của cha mẹ, hay thậm chí là bị cha mẹ ruồng bỏ, hắt hủi. Có một câu danh ngôn rất hay về ý nghĩa của gia đình mà tôi rất tâm đắc “Dù nó thật tồi tàn đi nữa, nhưng không nơi nào có thể sánh được với mái ấm gia đình” (J. H. Payne). Câu danh ngôn tuy ngắn gọn, giản dị mà ý nghĩa thật thâm thúy, sâu sắc. Các bạn thử nghĩ mà xem, ngay cả các loài động vật, chúng còn sống thành bầy đàn, sống bên nhau để nương tựa vào nhau, cùng nhau chung sống để kiếm ăn, để bảo vệ lẫn nhau.

Loài người chúng ta cũng không ngoại lệ, chỉ khác ở chỗ có lẽ chúng ta hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của gia đình với sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong gia đình mà thôi. Từ khi ta sinh ra, ta đã có cha, có mẹ, có một mái ấm, dù cho nó có được sung túc hay không. Ta lớn lên trong mái ấm gia đình, ta được nuôi dưỡng không chỉ bởi bầu sữa ngọt ngào của người mẹ, mà còn được sống trong bầu không khí đầm ấm, hạnh phúc của mái ấm gia đình giản dị đó.

Liệu có ai mong muốn gia đình mình tan vỡ, có ai mong mình sẽ bơ vơ như những chú chim non lạc mẹ, để rồi phải một mình chống chọi với muôn ngàn cạm bẫy và bóng tối của cuộc đời? Không, chẳng ai trong chúng ta mong mỏi điều đó cả, tôi tin là như vậy! Tôi chưa từng trải với cuộc sống, nhưng tôi cũng đã được biết về nhiều trường hợp và hậu quả của nạn bạo hành trong gia đình.

Có những người vợ, người mẹ bị bạo hành nghiêm trọng, họ chịu tổn thương ghê gớm cả về thể chất và tinh thần, nhưng vì thương những đứa con côi cút, họ hi sinh cho con và chịu những trận đòn roi, xỉ vả; trong khi chính họ hoàn toàn có lý do chính đáng để bỏ người chồng vũ phu. Tôi cũng được biết, được nghe nhiều trường hợp bạo hành giữa con cái với cha mẹ. Đó là khi cậu con trai không đủ tiền chơi bời, đua đòi với bạn bè, đã nhẫn tâm dùng dao cướp đi sinh mạng người mẹ của mình. Hay có những đứa cháu sẵn sàng dùng vũ lực tước đoạt đồng lương hưu ít ỏi của ông bà mình cũng chỉ vì thói đua đòi ăn chơi. Thật đáng buồn làm sao khi thỉnh thoảng lại thấy trên truyền hình những thông tin về bao vụ bạo lực gia đình như thế. Giờ là thời buổi mà người ta đề cao và hô hào về nhân quyền, đặc biệt là nữ quyền, nhưng hình như thời gian chưa đủ để mỗi chúng ta nhận thức một cách sâu sắc về tầm quan trọng của nó.

Và trong thời gian chờ đợi để sự nhận thức đó “thấm” vào tư tưởng mỗi chúng ta, đã và đang có biết bao người trở thành nạn nhân của bạo hành trong gia đình. Thỉnh thoảng ta lại nghe đâu đó chuyện một người vợ tự tử vì bị chồng hành hung; một người con giết chết cha mình để bảo vệ mẹ khỏi người cha độc tàn; một người con gái bỏ nhà ra đi vì bị cha mẹ hắt hủi, coi thường; một đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ bỏ đi vì thường xuyên bị cha mẹ đánh đòn, mắng nhiếc; một người vợ lầm lũi bước ra ánh sáng của công lý khi đã ra tay giết chồng; hay một người đàn bà bị hắt hủi, ruồng rẫy chỉ vì không sinh được cậu con trai nối dõi tông đường… Tất cả thật thương tâm làm sao!

Tại sao con người ta đôi khi lại quá tàn nhẫn như thế, lẽ nào sức mạnh của tình yêu gia đình không đủ để ta nghe theo lý trí, mà chỉ biết ích kỷ vì quá nóng giận, để rồi tự biến mình thành thủ phạm của bạo lực gia đình, bạo hành ngay chính người thân yêu của mình? Tình cảm gia đình là tình cảm thật thiêng liêng, nó kết nối mọi thành viên trong gia đình với nhau, kết nối mọi người trở thành một thể thống nhất. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc ấm no thì xã hội mới ổn định, văn minh.

Mọi người đối xử với nhau tốt đẹp thì cả cộng đồng sẽ thật an ấm, tươi vui. Từ khi đất nước đổi mới tới giờ, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều chính sách và pháp luật để chống bạo lực trong gia đình, cũng như đảm bảo nhiều quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội. Nhiều tổ chức đã ra đời không chỉ ở nước ta, mà còn ở khắp nơi trên thế giới, hoạt động vì mục tiêu chống bạo lực gia đình. Trên thế giới, ngày 25 – 11 hàng năm đã trở thành ngày phòng, chống bạo lực gia đình.

Rõ ràng loài người đã nhận thức rất đúng đắn về hậu quả của bạo lực gia đình trong gia đình nói riêng và trong xã hội nói chung. Tôi thoáng nghĩ, giá như các ban ngành đoàn thể, các cấp chính quyền trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu quan tâm sát sao, đúng mực với vấn đề này, thì có lẽ câu chuyện về người đàn bà hàng chài năm ấy sẽ không còn nữa. Liệu rằng người đàn bà đó dám đứng lên, đấu tranh vì quyền lợi của mình, thì mọi chuyện sẽ thế nào? Người ta thường nghĩ những đề tài về bạo lực gia đình thì không nên bàn tới nhiều, vì nó thường liên quan tới bạo lực, làm tổn thương và ảnh hưởng tình cảm của người đọc. Nhưng nếu như thế, nếu không ai lên tiếng, thì bạo hành trong gia đình bao giờ mới được dập tắt! Các bạn nghĩ sao về điều này?

Nạn bạo hành gia đình trong Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 3
Ai đã đọc tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu hẳn không thể nào quên được hình ảnh người phụ nữ làng chài tảo tần, chịu nhiều sương gió, cực khổ. Vì những gánh nặng của cuộc sống, vì tình thương dành cho con cái, vì cái án mưu sinh, khát khao hạnh phúc mà người đàn bà đó phải chịu một cảnh sống bị đánh đập tàn nhẫn, một số phận thật trớ trêu và đầy nghịch lí. Trong xã hội hiện đại ngày nay, dù đã khác và tiến bộ rất nhiều hơn trước đây nhưng nạn bạo hành trong gia đình vẫn xảy ra và làm nhức nhối trong dư luận.

Bạo hành trong gia đình ám chỉ tới rất nhiều kiểu ngược đãi mà một thành viên trong gia đình, một người sống chung trong hộ gia đình đối với các thành viên khác trong gia đình. Nó làm ảnh hưởng đến con người về mặt vật chất lẫn tinh thần. Những hành động dã man đó là sự kiểu đối xử mất hết tính người và tình người và có thể xem như một tệ nạn xã hội phải loại trừ. Nó xâm phạm đến quyền con người của các thành viên khác, những hành động đó không thể tha thứ.

Các nạn nhân của nạn bạo hành thường là phụ nữ, người già và trẻ em, người tàn tật… những người yếu đuối và đôi khi phải sống phụ thuộc vào người đàn ông, trụ cột của gia đình. Họ không thể tự lực để sống một cuộc sống riêng vì như ta đã biết dù có phát triển hơn thì trình độ học tập của dân ta hiện nay cũng chưa thể nói là cao, phần đông lao động là người chưa học quá lớp 9, để có thể kiếm cái ăn họ phải làm thuê, làm mướn, và cũng vì lẽ đó mà những người yếu đuối kia luôn bị lệ thuộc vào những kẻ có “trái tim sắt đá”. Họ luôn phải dựa vào sức lao động của người khác để có thể tồn tại. Từ mối quan hệ không thể tách rời đó đã tạo nên gánh nặng mưu sinh, gây đè nặng tâm lý và luôn tạo ra sự căng thẳng trong các mối quan hệ trong gia đình, đó cũng là khởi nguồn cơ bản của nạn bạo hành trong gia đình. Điều thứ hai ta có thể thấy là ở cơ chế thị trường của xã hội hiện nay, người ta coi trọng đồng tiền hơn bất cứ thứ gì, “có tiền mua tiên cũng được”.

Dường như câu nói đó ngày càng in sâu vào nhận thức của mỗi người. Trong tâm trí họ lúc nào cũng chỉ nghĩ đến một mục đích duy nhất là làm sao có tiền, có thật nhiều tiền để sống thật sung sướng và hạnh phúc. Họ làm tất cả mọi việc để có được tiền và bất kì hành động nào cũng nhằm đạt được nhu cầu thỏa mãn vật chất. Cũng từ đó đã tạo nên bao sự dở khóc dở cười cho những người xung quanh họ, một khi con người ta đã đánh mất chính mình, quên đi những tình cảm của người thân xung quanh và mê muội vì một thứ có mãnh lực có thể giết chết cả con người thì tất cả với họ chỉ là con số không. Khi không đạt được mục đích của mình họ đâm ra cáu gắt, tức giận và đổ lỗi cho người thân của mình, và rồi là những hành vi đối xử ngược đãi bạo tàn. Lý do thứ ba của tệ nạn này ở sự tha hóa về đạo đức, lối sống, sự suy đồi trong nhận thức và suy nghĩ của một số người. Họ quên đi những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, bị lấn át và cám dỗ trước những thứ xa hoa, phù phiếm, lối sống lai căng chiếm mất con ng họ và làm họ đánh mất đi trá trị của bản thân mình.

Tình trạng này hiện nay rất thường thấy, nó không còn hiếm hoi mà dường như ở nơi nào ta cũng gặp. Vì họ không còn đạo đức, không còn tính người nên tất cả những hành động sai trái và mang tính bạo lực với họ chỉ là chuyện thường, họ sẽ không thể dừng lại, không thức tỉnh bởi họ có còn cái gọi là lương tâm đâu khi đạo đức đã bị chôn vùi mà không để lại dấu tích. Và như đã nói, trình độ dân trí của nước ta hiện nay vẫn còn rất thấp. Vì vậy mà người dân không thể biết đến các quyền như quyền con người, bảo vệ con người và cả luật đối với nạn bạo hành trong gia đình.

Đồng thời những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu vẫn luôn ngự trị trong nhận thức của họ, với tư tưởng người đàn ông là người duy nhất có quyền hành trong gia đình đã tác động lớn đến suy nghĩ và hành động của con người. Đó là nguyên nhân cơ bản thứ tư của nạn bạo hành trong gia đình. Trong hoàn cảnh kinh tế của một nước đang phát triển, bên cạnh đời sống có phần nâng cao thì vẫn còn không ít những khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân đặt biệt vùng quê nghèo khó và chính đều này làm nảy sinh nạn bạo hành trong gia đình. Trường hợp của chị Chị Trần Thị T (thôn Văn Hà, xã Gia Phương) lập gia đình năm 20 tuổi. Đã hơn 10 năm qua, chị chưa một ngày được hưởng hạnh phúc từ mái ấm đó. Chồng chị là kẻ nát rượu. Chị kể: “Anh ấy chỉ về nhà khi đã say mềm. Hôm sau anh ta lại đòi tiền đi uống rượu. Không đưa tiền thì anh ta đánh đập, chửi bới, đập phá nhà cửa. Nhà tôi cấy một mẫu ruộng, nhưng anh ta chẳng giúp được tí nào. “Bạc mặt” ở ngoài đồng, về nhà lại lăn vào làm việc nhà, nhiều lúc tôi không gượng nổi. Có hôm vừa thấy tôi đi làm về, anh ta đã lao vào đánh đấm túi bụi đến thâm tím mặt mày.

Con cái anh ta cũng chẳng tha, đánh mẹ rồi quát đến con. Hai đứa con cứ nhìn thấy bố là… khóc thét. Xấu hổ với xóm làng, nhiều lúc tôi muốn chết đi cho rảnh nợ, nhưng nghĩ thương con nên phải cố gắng sống. Số phận mình đã thế thì phải chịu thôi…”. Hay gần hai tháng nay, tại thôn Lương Quy, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh (Hà Nội), cụ Nguyễn Thị Lý, 83 tuổi và chị Oanh, con gái cụ phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Ngôi nhà nơi mẹ con cụ Lý đang ở đã bị hai con trai là anh Hùng và anh Dũng phá tường, dỡ mái. Bàn thờ gia tiên và chiếc giường ngủ hàng ngày của cụ Lý cũng bị đập phá tan tành…

Những sự việc trên đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, đó là những con sâu mọt phá hoại nề nếp và đi ngược với giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Những nạn bạo hành đó gây tác động xấu đến sự phát triển của xã hội, làm cho cuộc sống của xã hội ngày càng trở nên bất an, bởi lúc nào cũng có người bị đánh đập, hành hạ một cách rất dã man. Nó ảnh hưởng đến vấn đề tâm sinh lí của người bị hại, họ không thể sống như bao người bình thường khác mà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, bị hành hạ và đè nặng trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Làm cho cuộc sống xã hội bất an, phá vỡ nét đẹp truyền thống của dân tộc trong tình nghĩa, đánh mất những nét đẹp trong lối sống và đạo đức của dân tộc.

Làm cho trật tự xã hội bị phá vỡ, cái luân thường đạo lý bị xem nhẹ. Hạnh phúc gia đình bị tan vỡ, tình cảm lục đục, cha con, vợ chồng, mẹ con… những giá trị tình cảm đó dần mất đi và rồi khiến gia đình bị suy sụp. Rồi từ đó lại có bao mảnh đời bất hạnh, trẻ em lang thang vì không thể sống chung với gia đình lúc nào cũng bị hành hạ, người già neo đơn và thậm chí phải bỏ nhà ra đi vì sự lạnh nhạt của con cái, rồi gánh nặng xã hội lại đè nặng, bao nhiêu số phận kêu cứu. Sự rối loạn cũng một phần được bắt đầu từ đây.

Là một con người của xã hội hiện đại và phát triển, mỗi chúng ta không được phép khoanh tay đứng nhìn mà phải đấu tranh, lên án, phê phán những hành vi đó và quyết tâm loại trừ chúng ra khỏi cuộc sống văn minh này. Mỗi công dân cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tuyên truyền và giáo dục người dân về luật pháp có liên quan đến bạo hành trong gia đình. Chúng ta cần dang tay giúp đỡ những nạn nhân của tệ nạn này. Điều quan trọng hơn cả là tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, không đi theo con đường xấu, biết làm chủ bản thân, tiếp thu và làm theo những tư tưởng tiến bộ.

Dường như nhìn được thời cuộc, Nguyễn Minh Châu đã đặt ra một vấn đề mà cả thời của ông lẫn thời nay đều đang xảy ra. Truyện đã phản ánh phần nào về thực trạng nạn bạo hành diễn ra. Đó là một điều đau xót và là những cái nhọt của xã hội. Mỗi cá nhân cần có cách sống phù hợp và tiến bộ, có ý thức trách nhiệm để góp phần xây

dựng đất nước ngày càng giàu mạnh và phát triển, sẽ không còn dòng chữ nào phải lên tiếng để đấu tranh cho quyền của con người và chống nạn bạo hành trong xã hội.

Nạn bạo hành gia đình trong Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 4
Nhà văn Nguyễn Minh Châu thực sự đã trở thành một trong những người mở đường xuất sắc cho công cuộc đổi mới văn học nước nhà sau năm 1975. Khuynh hướng sáng tác văn học của ông trong giai đoạn này thường hướng về cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lý nhân sinh mà tiêu biểu là tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”. Bằng một tình cảm dạt dào với tấm lòng thiết tha hiểu đời, hiểu nghệ thuật, Nguyễn Minh Châu không chỉ cho người đọc thấy được mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật, giữa sự lam lũ của cuộc sống và tình người bao la, mà còn lên tiếng tố cáo, đấu tranh cho một vấn nạn đầy bức xúc và nhức nhối trong xã hội: đó là bạo hành trong gia đình.

Với “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã cho người đọc “thấy” được biết bao triết lí nhân văn cũng như đạo đức luân lý. Bạo lực gia đình trong “Chiếc thuyền ngoài xa” hiện lên một cách quá đỗi ngạc nhiên và ngỡ ngàng qua con mắt luôn chứa chan vẻ đẹp từ nghệ thuật của nhân vật Phùng. Phùng, và hẳn là nhiều bạn đọc đã bức bối trong lòng biết bao khi phải chứng kiến cảnh bạo hành này. Đó là hình ảnh một người chồng, người cha vũ phu đánh vợ mình với chiếc thắt lưng một cách tàn bạo, vừa đánh vừa nhục mạ người đàn bà khốn khổ đó. Cảnh tượng hiện lên hệt như những trận đòn roi thời Trung cổ khiến người ta phải rùng mình khi nghĩ đến. Thông qua cảnh tượng quá đỗi tàn ác ấy, Nguyễn Minh Châu không chỉ dẫn dắt người đọc đi tìm hiểu thân thế người đàn bà hàng chài, mà còn cho ta thấy được biết bao là sự đời, nhân tình thế thái mà con người ta cần phải hiểu. Phải chăng vì mang hình dáng xấu xí, thô kệch, thất học hay vì cuộc sống quá lam lũ, lầm than mà người chồng đã đã đánh người vợ mình như thế. Anh ta đánh chửi ác nghiệt tới nỗi người vợ phải xin chồng cho mình lên bờ rồi hãy đánh tiếp, để các con không phải chứng kiến cảnh cha đánh mẹ. Thật tội nghiệp biết bao khi bức màn về cuộc đời và số phận người phụ nữ hàng chài được hé mở. Làm sao có thể sống mà mưu sinh trên vùng biển này khi không có một người đàn ông, dù cho hắn ta có đối xử như một con dã thú? Phải sống vì con cái, sống để chúng được nên người là niềm hạnh phúc của chị ta – tuy nhỏ nhoi nhưng thật cao thượng! Câu chuyện về cuộc đời người đàn bà làng chài khép lại ở đó, nhưng hẳn sẽ còn để lại trong lòng độc giả bao ngổn ngang, suy tư về cuộc sống, nhất là về nạn bạo hành gia đình trong xã hội ngày nay.

Có thể hiểu bạo lực gia đình là những hành vi của thành viên này tác động vào thể xác, tinh thần, kinh tế của thành viên khác nhằm thỏa mãn mong muốn cá nhân. Bạo lực gia đình luôn tồn tại song song, dai dẳng cùng sự phát triển của xã hội, phát triển gia đình. Bạo lực gia đình thường xuất hiện dưới ba kiểu khác nhau. Đó là: bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần và bạo lực về kinh tế. Bạo lực về thể xác thường thấy ở nông thôn hay ở nơi có điều kiện kinh tế kém phát triển, còn khó khăn, gian khổ kéo theo sự kém hiểu biết về văn hoá. Bạo lực về thể xác thường để lại thương tích trên cơ thể người phải chịu bạo lực, do đó nó rất dễ nhìn thấy, phát hiện. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đề cập đến tình trạng bạo lực về thể xác trong cuộc sống bấp bênh trên biển của một gia đình làng chài. Chỉ vì cuộc sống cơm áo gạo tiền mà người chồng đã từ một người hiền lành trở nên vũ phu với vợ con.

Trái với bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần không dễ gì thấy rõ được mà diễn ra âm thầm giữa các thành viên trong gia đình. Bạo lực về tinh thần lại thường xảy ra ở nơi có cuộc sống đầy đủ, có nhận thức, có văn hoá cao như ở thành phố, đô thị… Tuy nhiên, loại bạo lực này để lại những vết thương lòng không bao giờ lành hẳn như những nỗi đau đớn về thể xác. Nó để lại những căn bệnh về tinh thần mà kéo theo đó là nhiều căn bệnh khác.

Bên cạnh đó, bạo lực về kinh tế cũng xuất hiện trong nhiều gia đình. Nó kéo theo sự mất bình đẳng giữa vai trò của người chồng và người vợ trong gia đình bởi lối suy nghĩ ai nắm kinh tế thì cũng nắm mọi quyền hành trong gia đình. Đôi khi, còn xuất hiện hiện tượng người có thu nhập cao hơn không tôn trọng người có thu nhập thấp hơn.

Bạo lực gia đình xuất hiện do rất nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do nhận thức của người Á Đông vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Tiếp theo có lẽ là do nền kinh tế vẫn còn nghèo, chưa phát triển mạnh. Bạo lực gia đình thường là do người đàn ông gây ra, song không phải là người phụ nữ không có lỗi. Lỗi của người phụ nữ là chấp nhận, cam chịu, không lên tiếng vì nghĩ về con, hy sinh cho con. Đó là một nhận thức sai lầm. Người đàn bà trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa là một ví dụ điển hình. Thuở còn trẻ, sau một cơn đậu mùa, mặt bà bị rỗ và trở nên xấu xí, không ai thèm lấy. Vì thế, đối với bà, người đàn ông lấy bà chính là ban ơn cho bà. Do đó, bà chấp nhận thỏa thuận phi lí: “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Bà hi sinh như thế để mong con cái mình không thù ghét bố bởi bố đã đánh mẹ chúng. Bà cắn răng chịu những trận đòn roi trong khi có thể tránh hoặc chạy trốn.

Nhưng trên thực tế, bạo lực gia đình đã xảy ra thì không tránh khỏi hậu quả. Nó dẫn đến việc giảm chất lượng cuộc sống như gia đình, thậm chí gia đình bị chia rẽ, tan vỡ… Hơn nữa, nó có thể dẫn đến một thế hệ hư hỏng từ trong gia đình. Như trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã cho thấy hậu quả lớn nhất từ bạo lực gia đình: đó là thằng Phát – con của hai vợ chồng làng chài – đã đánh lại cha nó. Điều tồi tệ nhất là người mẹ phải chứng kiến việc đó. Như vậy, dù là bất cứ bạo lực, mâu thuẫn gì trong gia đình thì con cái vẫn luôn phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất.

Bạo hành gia đình không chỉ là một khái niệm để chỉ các hành vi bạo lực trong gia đình, mà nó còn là một vấn nạn mà một xã hội văn minh không thể chấp nhận tồn tại với nó. Với “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã cho người đọc “thấy” được biết bao triết lí nhân văn cũng như đạo đức luân lý.

Trên thế giới, ngày 25 tháng 11 hằng năm đã trở thành ngày phòng, chống bạo lực gia đình. Rõ ràng nhân loại đã nhận thức rất đúng đắn về hậu quả của bạo lực gia đình trong gia đình nói riêng và trong xã hội nói chung. Để quét nạn bạo hành trong gia đình ra khỏi xã hội này, mỗi chúng ta phải có hành động thiết thực, phải có sự đoàn kết một lòng, nhất là từ phía người phụ nữ. Họ đang sống trong một xã hội bình đẳng giới, họ được hưởng mọi quyền lợi, bình đẳng như đàn ông; họ có quyền được hưởng mọi sự công bằng, họ cần cương quyết và cứng rắn hơn để không biến mình thành nạn nhân của bạo lực gia đình! Tất cả chúng ta hãy cùng lên tiếng chống lại bạo lực gia đình. Hãy lên tiếng bảo vệ những nạn nhân và tố cáo, lên án những kẻ gây ra bạo lực gia đình, đưa bạo lực gia đình ra ánh sáng của công lý, của công bằng xã hội. Cộng đồng và xã hội phải luôn tạo điều kiện cho mỗi cá nhân được phát triển toàn diện, không một ai là nạn nhân của thất học, không một ai là nạn nhân của thất nghiệp. Cuộc sống ấm no về vật chất sẽ là nền móng vững vàng cho những tiến bộ về tinh thần.

Đối với từng “tế bào” của xã hội, tức là đối với từng gia đình, từng tổ ấm, thì mồi thành viên phải cùng sống chan hòa, yêu thương lẫn nhau. Điều quan trọng hơn cả chính là sự hiểu nhau, có hiểu nhau thì ta mới có thể thông cảm cho hoàn cảnh của người khác. Những người làm cha, làm mẹ cần nghĩ đến những hành vi của mình ảnh hưởng như thế nào tới tâm hồn trẻ thơ, không được phép để con trẻ phải chịu tổn thương mà cần xem xét lại chính mình. Còn những người con trong gia đình không bao giờ được phép quên đi công lao sinh thành của cha mẹ. Chúng ta hãy sống là những người con hiếu thảo, hãy hiểu bao nỗi thấm khổ, nhọc nhằn của người làm cha, làm mẹ, hãy học cách làm một người con ngoan, để mai sau trở thành một công dân tốt.

“Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu để lại biết bao bài học cho mỗi người. Câu chuyện về cuộc đời người đàn bà hàng chài mở ra cho mỗi chúng ta những suy nghĩ đau đáu về cuộc đời và hạnh phúc của mỗi thành viên trong gia đình. Bạo hành trong gia đình – vấn đề nhức nhối của mỗi cộng đồng, mỗi đất nước liệu có bao giờ kết thúc? Câu trả lời nằm ở mỗi chúng ta – những chủ nhân tương lai của đất nước. Tôi tin rằng chúng ta sẽ là những thế hệ mang đủ niềm tin, nghị lực và ý chí để cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp hơn. Hạnh phúc gia đình là động lực cho sự thành công của mỗi con người, là sự thịnh vượng của mỗi xã hội, là bằng chứng văn minh cho sự tiến bộ của loài người.

Nạn bạo hành gia đình trong Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 5
Ngày nay, tuy xã hội đã văn minh hơn, nhưng nạn bạo hành trong gia đình vẫn còn tồn tại và trở thành một vấn nạn nhức nhối trong xã hội. Điều đó không phải là một đề tài xa lạ trong văn học từ xưa đến nay.Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu đã đặt ra một vấn đề khiến nhiều độc giả phải suy nghĩ: nạn bạo hành gia đình trong xã hội xưa và nay.

Xuyên suốt toàn bộ truyện ngắn,tác giả không hề nhắc đến tên gọi của người đàn bà tội nghiệp, Nguyễn minh Châu đã gọi một cách phiếm định: người đàn bà hàng chài, mụ, chị ta, người đàn bà. Chị cũng giống như hàng trăm người đàn bà ở vùng biển nhỏ bé này:một người nghèo khổ, lam lũ, cơ cực .Dường như mọi sự bất hạnh của cuộc đời đều trút cả lên chị, xấu, nghèo khổ, lam lũ, lại phải thường xuyên chịu những trận đòn roi của người chồng vũ phu.Bị chồng thường xuyên đánh đập, hành hạ: ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng nhưng chị không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách chạy trốn mà coi đó là một lẽ đương nhiên. Người đàn bà ấy nhẫn nhục, cam chịu, thầm lặng chịu đựng mọi đau đớn tất cả vì những đứa con. Chị chỉ có một ao ước đến tội nghiệp: chồng mang chị lên bờ để đánh, chỉ vì chị ta hiểu rằng không nên để con thấy những cảnh như thế!

Sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài đã khiến nhiều độc giả phải suy nghĩ: tại sao chị không chống trả, không báo chính quyền, không làm đơn li dị? Rõ ràng hoàn cảnh và điều kiện sống cũng là một nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, đó là còn chưa kể tới những hệ lụy của nó. Cái gì quá khó khăn, quá vất vả thường khiến con người ta ích kỉ và tàn nhẫn hơn, khó mà giữ được mình trong sạch, giữ mình là mình nữa.

Nạn bạo hành trong gia đình xuất phát từ nhiều nguyên nhân, và không thể giải quyết đơn giản như suy nghĩ của Phùng và Đẩu.

Trong thực tế cuộc sống hiện nay, nhiều người vẫn chấp nhận cam chịu việc bị hành hạ đánh đập. Đó là khi người vợ phải phụ thuộc kinh tế, tài chính và thậm chí cả tình cảm vào đối phương. Họ thường chịu áp lực về điều này, họ có thể bị coi thường, thậm chính bị đối xử bất công trong gia đình. Có những người vợ, người mẹ bị bạo hành nghiêm trọng, họ chịu tổn thương ghê gớm cả về thể chất và tinh thần, nhưng vì thương những đứa con côi cút, họ hi sinh cho con và chịu những trận đòn roi, xỉ vả; trong khi chính họ hoàn toàn có lí do chính đáng để bỏ người chồng vũ phu.

Bạo hành trong gia đình thường liên quan trực tiếp tới nhân quyền.Nó để lại hậu quả nặng nề, xâm phạm nghiêm trọng tới nhân quyền. Mỗi hình thức bạo hành trong gia đình để lại những hậu quả khác nhau. Nhiều nơi vùng sâu vùng xa ở nước ta, do trình độ học vấn còn nhiều hạn chế, nên bạo hành xảy ra chủ yếu dưới hình thức là bạo hành thể xác và bạo hành tình dục. Còn ở nhiều nơi với mức sống và trình độ văn minh hơn, bạo hành tuy tỉ lệ ít hơn, nhưng dưới hình thức cũng đa dạng hơn, gồm cả bạo hành về tinh thần- kiểu bạo hành dã man nhất: đày đọa về tinh thần, tâm lí, tình cảm của người bạn đời.Nhiều kẻ chỉ vì nóng giận, , để rồi tự biến mình thành thủ phạm của bạo lực gia đình, bạo hành ngay chính người thân yêu của mình, gây ra những hậu quả khôn lường

Bạo hành gia đình thường gây đau đớn về tinh thần cho nạn nhân, gây ra nhiều hậu quả thương tâm.Một khi tâm hồn non nớt của trẻ em bị chai sạn vì tổn thương, chúng sẽ không thể là những đứa trẻ ngây thơ, trong sáng và hồn nhiên như bản chất của chúng nữa. Trong chúng ta liệu có ai mong muốn gia đình mình tan vỡ, có ai mong mình sẽ bơ vơ như những chú chim non lạc mẹ, để rồi phải một mình chống chọi với muôn ngàn cạm bẫy và bóng tối của cuộc đời?

Tình cảm gia đình là tình cảm thật thiêng liêng, nó kết nối mọi thành viên trong gia đình với nhau, kết nối mọi người trở thành một thể thống nhất. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc ấm no thì xã hội mới ổn định, văn minh. Mọi người đối xử với nhau tốt đẹp thì cả cộng đồng sẽ thật an ấm, tươi vui.

Bởi vậy khi nhận thức đúng đắn về hậu quả của bạo lực gia đình, chúng ta cần có những biện pháp cụ thể, quyết liệt để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em:xã hội cần quan tâm đến việc xóa đói giảm nghèo, giáo dục tuyên truyền về bình đẳng giới, có những qui định, chế tài về việc gây bạo hành nâng cao nhận thức của xã hội đối với nạn bạo hành. Chúng ta có những hành động việc làm kịp thời để ngăn chặn nạn bạo hành và giúp đỡ những nạn nhân đúng lúc.

Call Now Button